Vào lúc 23 giờ thứ Bảy, ngày 21/4/2007, ngay sau Lễ Tuần dẫn Lục Cúng, Biên tập viên Website Phật tử Việt Nam túc
trực tại Phù Linh đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Quảng Hà -
Trưởng Ban Kinh sư của Trai đàn Chẩn tế tại Sóc Sơn về một số vấn đề
được quan tâm trong các khoa cúng theo lề lối Miền Bắc đang được hành lễ
tại đây.
Đại đức Thích Pháp Ấn - Trưởng chúng và là phát ngôn nhân của Tăng thân Làng Mai cùng tham gia buổi trao đổi.
Được
biết, Thượng tọa Thích Quảng Hà năm nay 45 tuổi đời, xuất gia năm 9
tuổi, đã trải 26 Hạ lạp, là đệ tử chân truyền của cố HT Thích Thanh Kính
- Tổ Phúc Hà ở Ninh Bình. Thượng tọa đã trì học Luật từ cố Tổ Vệ -Thích
Quảng Khâm và cố Tổ Đọ - Thích Thanh Hào. Hiện nay Thượng tọa đang trụ
trì chùa Cẩm xã Yên Hưng, huyện Ý Yên - Nam Định. Thượng tọa từng học
các khoa cúng cổ truyền Miền Bắc với HT Tôn sư và các Cụ đồ - Thầy Cúng
nổi danh xứ Nam như Cụ đồ Khuyến, Cụ đồ Tuyên ở làng Phù Sa Hạ, xã Hoàng
Nam, huyện Nghĩa Hưng - Nam Định, là đệ tử tham học của Tổ Ráng Phổ Tuệ
đương thời, đã tham gia các khoa cúng nhiều nơi từ năm 16 tuổi, đã chủ
trì nhiều Lễ cúng Phật có quy mô lớn ở Việt Nam trong thời gian gần đây.
Hiện nay Thượng tọa là Uỷ viên HĐTS Trung ương GHPGVN, Phó trưởng ban
Thường trực kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Tỉnh Nam
Định.
Đại đức Thích Chân Pháp Ân xin được chia sẻ cùng Thượng tọa Thích Quảng HàPTVN xin chia sẻ cùng độc giả một số nội dung chính của cuộc trao đổi trên.
PTVN: Bạch Thượng tọa, Trai đàn Chẩn tế lần này thực hiện các Khoa cúng gì?TT Thích Quảng Hà:
Trước các buổi lễ đều có các khoa cúng mở đầu, như cúng Tiếp linh,
Nghinh sư, cúng Phật Đại khoa, cúng ngọ, v,v. Nhưng tập trung là 2 khoa: Tuần dẫn Lục cúng trong gần 3 giờ vừa qua và Mông Sơn Thí Thực Đại khoa vào tối mai, kết thúc Trai đàn Chẩn tế.
PTVN: Xin Thượng tọa cho biết, Các khoa cúng này có xuất xứ như thế nào?TT Thích Quảng Hà: Theo
các Cụ truyền lại và theo sách lục, thời Đức Phật tại thế thì chưa có
các khoa cúng, nhưng cũng đã nhắc đến “trống trời”, “kỹ nhạc”, v,v,
trong các Pháp hội. Có thể vì lúc đó, căn tính chúng sinh còn thuần
phác, chưa cần dùng đến nhiều phương tiện giáo hoá, chỉ cần nghe kinh
trực tiếp từ kim khẩu Phật là đủ chứng quả rồi. Ở
Trung quốc, từ đời nhà Hán, nhà Đường, các khoa cúng cũng đã tương đối
bài bản nhưng pha tạp nhiều yếu tố của Đạo giáo, càng về sau càng phức
tạp.Ở nước ta, thời Lý đã có các Pháp sư chạy
các đàn cúng cầu mưa, tịch điền, v,v. Đến thời Trần thì đã có bài bản
được ghi chép lại trong các trước tác của Trần Thái Tôn, Trần Nhân Tôn
như Khoá Hư Lục, Thạch thất mị ngữ. Đặc biệt là Tam Tổ Trúc Lâm Huyền
Quang đã tổng hợp tất cả các tinh hoa của các bậc tiền bối về các khoa
cúng, nâng cao lên một bước, thành kinh sách được lưu truyền rộng rãi và
lâu dài. Về sau có Tổ Bích Động ở Ninh Bình đã dụng công san định và
khắc ván in thành sách, được lưu truyền liên tục tới chúng tôi ngày nay.
PTVN: Bạch Thượng tọa, ở Trai đàn Chẩn tế lần này có bao nhiêu Thầy tham gia các Khoa cúng và sử dụng các linh cụ, nhạc cụ gì?
TT Thích Quảng Hà: Để
thực hiện các khoa cúng trong Trai đàn này, chúng tôi bố trí 16 Thầy,
đều là các Tỷ khiêu trang nghiêm giới luật và có nhiều kinh nghiệm trai
đàn, do tôi trực tiếp hướng dẫn và chỉ đạo, phần lớn là đệ tử, đệ tôn
của tôi đến từ Nam Định. Cứ nhìn vô số các đại tự, tiểu tự bằng Hán tự
cổ do các vị trực tiếp viết đang trưng bầy tại đây, tuy không được rồng
bay phượng múa, nhưng bút lực rắn giỏi, cứng cáp, chân phương thì cũng
đã phần nào thấy được công phu khổ luyện của các vị.
Đội
ngũ kinh sư đàn cúng vừa phải thông Kinh, Luật, Hán tự, có khẩu thanh
hay, có dung mạo đẹp đẽ, uy nghi, vừa múa dẻo, kết quyết thành thạo, sử
dụng điêu luyện các linh cụ, nhạc cụ như: Trống to, trống nhỏ, thanh la,
não bạt, tiêu cảnh, linh, chử, chén... vừa phải có đức hạnh, thành tâm
và kiên trì, nhẫn nại.Và
xin nói thêm là, những người như tôi và chúng tôi ở Miền Bắc không phải
là hiếm. Hiện còn nhiều các bậc Tôn đức công phu rất thâm hậu, chúng
tôi còn đang học hỏi để tiến tới nắm được yếu chỉ của chư Tổ để lại.
PTVN:
Xin Thượng tọa cho biết, Các khoa cúng này có liên quan như thế nào với
giáo lý nhà Phật, và đặc biệt là với pháp môn Thiền mà Đạo tràng Mai
thôn đang tu tập?TT Thích Quảng Hà: (cười ) Đây là một câu hỏi rất hay, nhiều ý nghĩa, cần phải trình bày trong nhiều bài giảng. (được
biết TT Thích Quảng Hà là kỳ cựu giảng sư, Phó hiệu trưởng Thường trực
của Trường Trung cấp Phật học Nam Định và là giảng sư của các tỉnh phía
Bắc). Tại đây tôi chỉ nói vắn tắt. Sẽ là hồ đồ và thiếu thực tế khi
bảo rằng các Khoa cúng là xa lạ với Phật Pháp và tách rời với Thiền. Ở
đây tôi nói đến Thiền đích thực, từ tinh thần của nó chứ không dừng lại ở
hình thức.Có
câu chuyện kể rằng: tại vùng kia, có một vị Pháp sư tỷ khiêu cao tay,
nổi danh với các khoa cúng Phật chạy đàn, nhưng có tính rất “căn cơ, cẩn
thận”. Đi đâu cũng mang theo chùm chìa khoá bên mình, đề phòng bị đệ tử
nhòm ngó của cải ở chùa nhà. Một lần, được thỉnh đi cúng chạy đàn Mông
sơn thí thực tại một hội lớn, do vội vã, ngài bỏ quên chùm chìa khoá.
Khi lên đàn, ở ngôi đàn chủ, đáng lẽ ngài cần dụng tâm quán tưởng để tất
cả vật thực ở trai đàn đều thành đồ ăn thức uống cho thập loại chúng
sinh, cô hồn, mượn phép Phật mà chẩn tế bình đẳng. Nhưng do tâm bất an,
ngài chỉ nghĩ và lo đến chùm chìa khoá. Miệng tụng kinh, trì chú, niệm
Phật, tay bắt quyết, mà bụng chỉ nghĩ đến chìa khoá và chìa khoá. Mãn
cuộc, giải đàn, ngài vội vã trở về. Đi qua cánh đồng vắng, trời tối như
bưng, ngài thấy cơ man nào là ma đói ma khát, ngạ quỷ, súc sinh, cô hồn
vất vưởng kêu gào, than khóc, oán trách, níu kéo lấy ngài, vì chúng tới
trai đàn chẩn tế mà được ăn toàn chìa khoá là chìa khoá, sắt nóng, đồng
sôi. Mấy ngày sau, ngài tịch, không biết nghiệp lực kéo đi nẻo nào?Từ
câu chuyện này, ngẫm: tâm tĩnh, nguyện thành, chí thiết, cảm thông,
chia sẻ như vậy chẳng phải là Thiền, là Phật giáo hay sao?Hoà
thượng làng Mai chủ trương mở trai đàn Chẩn tế tại đây, với chư Tăng
đông đảo, Phật tử chí thành chí thiết, (Không chí thành chí thiết sao
lại cất công đi xa trèo cao tới đây?), thương tưởng đến thập phương cô
hồn, chẳng phải là Phật đạo, chẳng phải là Thiền sao?Tôi
thấy lạ rằng, ngày nay sách nhiều thầy lắm mà các quan điểm cố chấp
phái này phái nọ lại khá phổ biến. Thử hỏi có Chùa nào mà không gọi là
chốn Thiền môn? Và Thiền mà không gắn với Phật thì chỉ là ngoại đạo mà
thôi.Tham gia
Phật sự Trai đàn Chẩn tế này, tôi lại càng thấy viễn kiến mà Hoà thượng
làng Mai chủ trương là nhất thống. Không phải là sự kết hợp giữa Thiền
và nghi thức Mông sơn thí thực mà từ bản chất chúng là một, đồng nhất
bản thể. Nếu có sai khác thì chỉ là phương tiện mà thôi.
PTVN: Bạch Thượng tọa, Lễ Lục cúng tối nay có ý nghĩa gì và được tổ chức như thế nào?TT Thích Quảng Hà: Lễ
Lục cúng là lễ dâng 6 loại phẩm vật lên chư Phật mười phương, gồm:
hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Trong các lễ lớn hơn có thể là Thập
cúng, thêm: Châu, pha lê, xà cừ, y. Nhưng tại đây, thời gian và điều
kiện không cho phép, thì Lục cúng cũng rất đáng quý rồi.Song ở đây, điều đáng nói không dừng lại ở vật phẩm dâng cúng mà cơ bản là tinh thần và nghi lễ dâng cúng.Tinh
thần là trang trọng, thành kính, nhất tâm quán tưởng. Tức là cần phải
tạm quên đi thời gian và không gian, quên đi bỉ thử, thành kiến, v,v, mà
như nhập làm một, như chư Phật hiện tiền.Nghi
lễ là sự kết hợp của trang trí ban thờ, hương hoa, đèn nến, y phục,
tiếng xướng họa, âm nhạc, vũ điệu, v,v. Ví dụ, khi dâng hương thì nhị vị
đồng tử chạy đàn theo đường hình chữ nhật (chữ Hán cổ), dâng hoa theo
hình chữ á, dâng đăng theo hình chữ tỉnh, dâng trà theo hình chữ thuỷ,
dâng quả theo hình chữ vạn, dâng thực theo hình chữ điền.Các tư thế múa, nhạc điệu, nhịp điệu, trang phục, cách bắt quyết, trì chú cũng khác nhau và theo kinh điển Đại thừa.Còn
ngày mai khi chạy đàn Mông sơn thí thực thì không chỉ cúng Phật mà chủ
yếu là thí thực cho chúng sinh bình đẳng. Không cứ ít nhiều, miễn là
thành tâm. Tuy nhiên, với Đại trai đàn này thì “y phục phải xứng kỳ
đức”. Nghe nói, sẽ không có đốt vàng mã, nhưng chắc là rồi cũng sẽ có
thôi. Tập quán mà.
PTVN:
Xin Thượng tọa cho biết, Trai đàn Chẩn tế lần này với các khoa cúng cổ
truyền Miền Bắc có phải là khôi phục lại cái cũ, trong khi Làng Mai kêu
gọi cần làm mới đạo Bụt?TT Thích Quảng Hà: Tôi
không phải là người luôn chạy theo cái mới, tuy không thờ ơ với nó.
Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhủ Tăng Ni sinh là cần phải trì giữ nền nếp
Thiền môn, trì giữ giới luật, học tập gương sáng chư Tổ. Chữ “tuỳ duyên”
là rất khó, kẻ phá đạo cũng dựa vào đó để phóng tâm. Chữ phương tiện
cũng vậy. Phương tiện chứ không thể tuỳ tiện.Hơn
nữa, hoằng pháp là tuỳ duyên. Xưa nay, trong chốn Thiền gia, ai dám coi
thường chư vị Cổ đức, cho dù một mình ở nơi thôn dã hay trong hang núi,
khi đạt đến Tâm Phật?
PTVN:
Bạch Thượng tọa, Các khoa cúng ở đây có liên hệ thế nào với hiện tượng
mê tín dị đoan và ngày nay nó nhận được thái độ như thế nào từ quảng đại
nhân dân?TT Thích Quảng Hà: Như
tôi đã nói, Các khoa cúng chỉ là một phương tiện để độ sinh. Từ xưa
Phật đã từng thuyết pháp không lời cho chư vị Bồ tát. Các bài chú trong
Kinh ngày nay cũng vậy, có chữ mà không biết nghĩa. Trong khoa cúng,
dùng hình ảnh, âm nhạc, vũ điệu, v,v, để truyền tải Pháp. Đó là linh
diệu của các Khoa cúng. “Tuỳ thuận chúng sinh, nhi vi lợi ích” chả phải
là ý chỉ của Phật sao? Sao lại mê! Dĩ nhiên có nhiều người khi thức vẫn còn mê cơ mà!Còn
nhân dân thì cứ nhìn số lượng người tham gia thì rõ. Không chỉ ở đây mà
ở đâu cũng vậy. Rất hấp dẫn và giàu hình tượng nghệ thuật. Và đương
nhiên có nhiều người không thích, thậm chí ghét. Điều đó là bình thường
trong một xã hội bình thường.
Đại đức Thích Chân Pháp Ấn: (bày tỏ với TT Thích Quảng Hà) Con
thấy Thượng tọa vất vả quá. Càng về khuya, lễ cúng càng tha thiết, âm
nhạc và vũ điệu rất réo rắt. Quả thực chúng con chưa biết gì về truyền
thống này, nhưng cảm thấy rất hay. Giờ lại được nghe giảng, thấy mới mẻ
và hấp dẫn quá. Song nội dung lời văn và ý nghĩa lễ cúng, chúng con chưa
nắm được. Nếu có thể, Thượng tọa cho chúng con xin bản văn các khoa
cúng, có bản tiếng Việt thì càng hay để chúng con tìm hiểu.
TT Thích Quảng Hà: Sao
gọi là vất vả? Làm Phật sự không nên quản ngại. Tôi là người sư nông
dân nên làm việc gì cũng là tu. Năm trước, xây chùa Cẩm lớn như vậy,
tháp chuông cao tới gần 40 mét mà tôi tự mình đóng gạch nung lấy. Nhà
chùa còn cấy 1 mẫu 8 sào, tự túc hoàn toàn lương thực cho các chùa. Cày
bừa là việc tu của tôi. Đó cũng là noi gương các Tổ, đương thời như Tổ
Ráng Phổ Tuệ, không biết có bị chê cười không? (cười hóm hỉnh)Ngay
sau Trai đàn, chúng tôi xin biếu chư Tăng làng Mai toàn bộ các bản kinh
văn các Khoa cúng theo nghi lễ Miền Bắc, rất phong phú, để quý Thầy
Làng Mai tham khảo, đặng biết thêm về vốn liếng mà chư Tổ đã để lại và
được gìn giữ liên tục qua rất nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
PTVN:
Xin Chân thành cảm ơn Thượng tọa, cảm ơn Đại đức đã dành thời gian đặc
biệt lúc nửa đêm này, lại sau một Phật sự vất vả, cho PTVN.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét