Trang chủ . video ,diễn đàn ,thành viên ,chữa bệnh ung thư,liên kết

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

NGỌC HOÀNG


Bài kinh nầy thuộc về “Tâm Kinh”. Người tụng đọc cần vận dụng tâm đạo tưởng niệm Đấng Chí Tôn, Đấng Tạo Hóa, Đấng Cha Lành, bậc Tôn Chủ của cả càn khôn vũ trụ muôn loài vạn vật.
Ngài là Đấng Vô Sanh, Vô Danh, Vô Hình, chằng có tên, chẳng có tuổi, chẳng có hình tướng gì cả, nhưng Ngài là Đấng hiện hữu và hằng hữu mà chúng sanh luôn luôn trông cậy, chiêm ngưỡng và tôn thờ, cho nên trải qua lâu đời nhiều kiếp con người đặt ra nhiều danh hiệu để hình dung ra Ngài, tôn thờ Ngài và biết ơn Ngài.
Kinh Thiên Đàng Du Ký nói rằng Ngài là:
- Hỗn Nguyên Huyền Huyền Thượng Nhơn: tức là Người trên cõi mịt mờ hỗn độn thuở sơ khai, là Đức Vô Cực Chí Tôn, cho nên được tôn xưng là:
- Thiên Phụ: Cha Trời
- Thiên Vương: Vua Trời
- Thượng Đế: Ông Vua cao cả
- Lão Tổ: Ông Tổ các Đạo
- Lão Mẫu: Bà Đại Từ Mẫu của chúng sanh.
- Như Lai Chân Tể: Đức Phật Như Lai, Chủ Tể Chơn Đạo.
Cũng trong kinh Thiên Đàng Du Ký, Đức Nguyên Thủy Thiên Tôn dạy rằng:
- Thượng Đế là Một Khí Tông Chủ, còn được tôn xưng là: Phật Tổ vô hình, Hồng Quân Lão Tổ, Hỗn Nguyên Thánh Tổ, Tiên Thiên Lão Tổ.
Người thế gian, tùy theo tín ngưỡng mà tôn xưng Ngài là:
- Đức Chúa Trời, Đức Chúa Cha (Đạo Thiên Chúa)
- Đấng Chí Tôn, Đại Từ Phụ, Thầy (Đạo Cao Đài)
- Đấng Allah (đạo Hồi)
- Đấng Thiên Công hay là Thiên Lý (Đạo Nho)
Tiếng thông thường ngoài dân gian, tùy theo dân tộc:
- Người Pháp gọi là “Dieu”
- Người Anh gọi là “God”
- Người dân thiểu số gọi là “Yàng”
- Người bình dân Việt Nam thường gọi là “Ông Trời”.v.v..
Nói đến “Thượng Đế“ là nói đến nguồn đầu sinh ra vũ trụ vạn vật, là Hỗn Nguyên Nhất Khí, là Đại Đạo vô hình, là Chơn Lý tuyệt đối.
Thời kỳ nầy, gọi là Tam Kỳ Phổ Độ, Thượng Đế giáng trần qua linh cơ diệu bút để lập Đạo tại xứ Việt Nam với ”tá danh” là: Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
Ngài vừa xưng “Thầy” để dạy dỗ, vừa xưng “Cha” để cứu rỗi linh hồn con cái của Ngài còn đang trầm luôn nơi song mê bể khổ.
Là Đấng cao cả tuyệt đối, làm Chủ tất cả Thần Thánh Tiên Phật, nhưng khi giáng cơ Ngài tỏ ra hết sức khiêm tốn, chỉ dung những phẩm nhỏ trong hàng Phật Thánh Tiên để làm “tá danh” Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát mà nói lên mục đích qui Tam Giáo của Đại Đạo kỳ Ba nầy. Đó là đức tánh hạ mình để độ rỗi chúng sanh của Đấng Đại Từ Phụ.
Thiết nghĩ, người trong Đạo Cao Đài, nói riêng, và tất cả nhơn sanh, nói chung, nên lưu ý để biết rằng mình đang được diễm phúc ở nhằm thời kỳ mà Đấng Tạo Hóa lâm phàm cứu thế, lập Đạo cứu độ chúng sanh trong thời kỳ Hạ Hạ Ngươn Mạt Kiếp nầy.
Tánh đức cao cả và sâu dày của Thượng Đế là sinh hóa, dưỡng dục, giáo hóa cứu độ và ân xá cho muôn loài.
Trong quyển kinh Thiên Đàng Du Ký, Thượng Đế có dạy như sau:
Hồng Mông vị tịch Đạo hàm anh,
Vô số tinh cầu, Khí hóa thành,
Giáp Tý nan kê thiên vạn ức;
Hư Không ẩn Ngã, bất tri danh.
Hư Không cửu uẩn khí huyền huyền,
Vị phán hồng mông hữu Ngã tiên,
Nhứt điểm Chơn Linh trường bất diệt;
Sinh lai Phật Thánh dữ Thần Tiên.
Tạm dịch:
Từ thuở hồng mông Đạo sáng lòa,
Tinh cầu khí hòa vạn hà sa,
Chu kỳ Giáp Tý, muôn ngàn ức;
Ẩn tại hư không, ai biết Ta.
Sâu kín hư không, khí mịt mùng,
Hỗn mang trước đó có Ta trong,
Chơn Linh một điểm trường tồn mãi;
Sinh Phật Thánh Tiên sống cộng đồng.
Ngài dạy rằng: Nếu như chúng sanh biết bào đền ơn nguồn cội, nhận rõ nguyên lý trở về với Chân Lý, ắt là đứa con đỏ, con hiếu thảo. Nếu như hồi quang phản chiếu nhìn lại Ta nơi cõi mịt mờ, ắt thành Thượng Nhân, Kim Tiên Cổ Phật vậy.

* * * * *



DIỄN NÔM THEO THI VĂN



BÀI TẶNG THIÊN ĐẾ
(Bài kinh giáng cơ tại chùa Tam Tông Miếu)


Vì Thiên Đế, Thái Cực Hoàng,
Định an nhơn vật khắp ngàn cỏ cây.
Cử Huỳnh Kim vi diệu thay,
Cùng là Bạch Ngọc Kinh này nguy nga.
Dầu cho hư thiệt cũng là,
Chẳng còn đợi nói, Tiên gia phép mầu.
Vô Vi linh nghiệm rất sâu,
Chữ Không, chữ Sắc nối nhau đành rành.
Nhơn khi giá ngự rồng xanh,
Khắp nơi du ngoạn, mây lành tiếp đưa.
Rộng truyền phép tắc chẳng vừa,
Khí phân tứ tượng, nhặt thưa có ngằn.
Cao minh chiếu diệu lẽ hằng,
Muôn loài lành dữ từ tằng rõ phân.
Tầng trời ba sáu (36) chẳng gần,
Ba ngàn thế giái một lần quản cải.
Địa sát tính lại bảy hai (72)
Bộ Châu chia bốn gồm rày coi luôn.
Tiên, Hậu, nhị thiên tiếp thuông (thong)
Từ bi tịnh diệu là khuôn răn mình.
Xưa nay chiêm ngưỡng Đạo linh,
Là trong Nhựt, Nguyệt, Thần, Tinh , ngôi đầu
Kinh truyền dạy việc cao sâu
Oai linh khó lượng, phép mầu tế sanh.
Đại bi đức cả tột lành,
Trời cao soi xét, lòng thành điểm cho.
Từ điều lành dữ đắn đo,
Muôn vàn phán đoán chấp so khôn lầm.
Lượng trên như sẳn cân cầm,
Dữ răn, lành thưởng, diệu thâm cơ Trời.
Chi hơn an mạng thuận thời
Vun trồng cậy đức, lẽ đời vậy vay.
THÁI THƯỢNG LÃO QUÂN
Sau đây là bản tả kinh ra Việt văn của Đức Trần Đoàn Lão Tổ, giáng cơ tại Cần Thơ năm 1940:

Ngài là Đấng bao trùm tất cả,
Ngài chở che thượng hạ ta bà,
Cho nên mới gọi là Đại La;
Hóa sanh muôn vật, bảo hòa vạn dân.
Vừa trùm chứa đở nâng trên dưới,
Giống như là tấm lưới bao giăng,
Ngài là một Đấng Tạo Đoan,
Ẩn trong muôn vật, hàm tàng dưỡng nuôi.
Vừa Tạo Hóa đồng thời ẩn áo,
Vừa quản cai hoàn hảo hiếu sinh,
Xứng danh Thượng Đế chi tình;
Vua Trời thống suất vạn linh muôn đời.
Ngài ngự chốn chơi vơi Kim Khuyết,
Bạch Ngọc KInh rộng tuyệt mù khơi,
Nguy nga chói lọi cung Trời;
Như vàng như ngọc, chiếu ngời muôn thu.
Dường như có, có từ muôn thuở,
Dường như không, không ở mắt phàm,
Tuy không thấy nói hoặc làm;
Mà sanh, hóa,dục, bao hàm vạn linh.
Tuy lặng lẽ không hình không tiếng,
Mà dưỡng nuôi sai khiến quần linh,
Mới hay Tạo Hóa chi tình;
Không làm mà khiến vạn sinh thuận tùng.
Ngài thường cỡi sáu Rồng tuần khắp,
Cõi vũ hoàn chu cấp nguồn sinh,
Giờ giờ, phút phút, chu trình;
Luân lưu chẳng nghỉ với tình bao la.
Một Khí ấy phân ra bốn tượng,
Là Bắc, Nam, Hạ Thượng Đông Tây
Tuần du giờ khắc đêm ngày;
Dưỡng nuôi muôn vật, an bày vạn linh.
Ngài tuy ngự thinh thinh cao vọi,
Mà xét xem vạn loại như gần,
Những điều thiện ác, giã chân,
Liếc qua liền định quả nhân thức thì.
Ngài tuy Đấng vô vi, vô sắc,
Tuy không hình, không mắt, không tai,
Dữ lành, họa phước, trả vay;
Chỉ trong cái toán, định ngay số phần.
Lập vũ trụ, Ngài phân thượng hạ,
Tùy trược thanh, siêu đọa định ngôi,
Trên thì ba sáu (36) cung Trời;
Ba ngàn thế giái cõi đời Phật Tiên.
Khí trọng trược hậu thiên hữu chất,
Lập bảy hai (72) quả đất địa cầu,
Chia làm Bốn Đại Bộ Châu,
Hóa sanh trưởng dưỡng trong bầu càn khôn.
Cõi Thanh Thiên linh hồn thượng đẳng,
Làm Phật Tiên số chẳng luân hồi,
Siêu sanh Cực Lạc đời đời;
Hóa hoằng Chơn Đạo tùy thời giáo dân.
Cõi hạ trược các tầng cao thấp,
Những linh hồn nhiều cấp lộn quanh,
Cõi nào thấp, thiếu điển thanh;
Gọi là Địa Ngục, chúng sanh não phiền.
Dầu là cõi Tiên Thiên thượng đẳng,
Dầu hậu thiên cũng đặng tày bồi,
Đại Từ hóa dục không nguôi;
Bởi lòng Từ Phụ dưỡng nuôi muôn loài.
Khắp vạn loại xưa nay tin tưởng,
Hằng ngưỡng trông vào lượng chở che,
Thu Đông, kim cổ, xuân hè;
Lập nhiều Tông Pháp vỗ về dạy khuyên.
Cơ phổ độ thế Thiên hoằng giáo
Cho Sứ Đồ mở Đạo chỉ truyền,
Đời nào cũng có Phật Tiên;
Đời nào cũng có Thiêng Liêng xuống trần.
Ngài làm Chủ Thánh Thần Tiên Phật,
Ngài quản cai các bậc Chơn Nhơn,
Là vua Nhựt, Nguyệt, Tinh, Thần;
Là vua Năm, Tháng, xoay vần thời gian.
Tuy vắng lặng mà ban nguồn sống,
Cho vạn sinh hoạt động vĩnh tồn,
Tuy rằng vòi vọi nghiêm tôn;
Vật nào phép nấy vẫn không sai lầm
Đạo tàng ẩn bao hàm sai sở,
Giúp muôn loài trình tự sống vui,
Rắn không chơn vẫn tới lui;
Gà tuy không vú vẫn nuôi con bầy.
Cá không mụ vẫn hay sinh sản,
Chim không thầy, chửa đặng bịnh mình,
Muôn loài điểu thú đồng sinh;
Có ai dạy chúng sự tình ấy đâu.
Đó, Chơn Đạo nhiệm mầu là thế,
Thật tôn nghiêm vi tế vận hành,
Tuy rằng trạm tịch mà sanh;
Tuy khôi mịch vẫn hiển danh muôn loài.
Hay biến hóa mà hay chu đáo,
Thường truyền ban kinh báu dạy đời,
Cho người giác ngộ nơi nơi;
Cho nhân bản tính phục hồi thế nhân.
Tuy linh hiển, chí chân, chí chánh,
Tuy oai danh như Thánh, như Thần,
Nhưng hằng lập Đạo giáo dân;
Phái nguyên nhân xuống cõi trần cải canh.
Khai dân trí, dân sanh, dân đức,
Mở dân tâm, vật chất, tinh thần,
Ngành nghề thực tế nuôi dân;
Đủ nhiều lãnh vực canh tân giúp đời.
Mặc dầu nắm oai Trời tuyệt đối,
Nhưng lòng từ cũng tối đại bi,
Mặc dầu cao thượng vô vi,
Nhưng đại thánh nguyệt ai bì được đâu.
Mặc dầu đã tóm thâu vũ trụ,
Mặc dầu sanh hóa đủ muôn loài,
Mà lòng từ ái cao dày;
Cho nên che chở an bài vạn sinh.
Vốn là Đấng Chí Linh Chúa Tể,
Khuyền Khung Cao Thượng Đế Vua Trời,
Luôn luôn xá tội cho đời;
Luôn luôn chứa phước ban người thiện duyên.
Thật là Đấng Cao Thiên Tạo Hóa,
Đức hiếu sinh giải họa cứu nàn,
Quần linh kim cổ vạn bang;
Muôn đời xưng tụng Ngọc Hoàng Thiên Tôn.
Trần Đoàn Lão Tổ
Trích: Kinh Tam Giáo Nhựt Tụng Diễn Giải
Biên Soạn: Thiện Trung Nguyễn Xuân Liêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét