Trang chủ . video ,diễn đàn ,thành viên ,chữa bệnh ung thư,liên kết

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Tri Ân Tổ Tiên Việt


Tri Ân Tổ Tiên Việt






Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam do cố GS Đỗ Tòng khởi xướng thành lập Ban Liên Lạc (BLL) năm 1997. Mười bảy năm qua họ Đỗ đã dày công đức giúp nhau tìm về cội nguồn. Khám phá phả hệ. Khảo sát thực địa di tích. Công bố tư liệu. Hiện đã tìm được trên 400 nhánh họ Đỗ (Đậu). Điều kỳ diệu là họ Đỗ Việt Nam đã bảo tồn được ngôi mộ Tổ Bát Bộ Kim Cương tại Gò Thiềm Thừ (Gò Cóc Thần).
    Ngày 22- 5- 2012. Nhà nước đã giao cho họ Đỗ Việt Nam bảo tồn ngôi mộ Tổ Tiên Gò Thiềm Thừ (Hà Đông- Hà Nội) trên 5000 năm lịch sử.
    Ngày 8 và 9 tháng 3- 2014. Cuộc họp mặt truyền thống họ Đỗ (Đậu) lần đầu tiên được diễn ra linh thiêng, hoành tráng tại Gò Thiềm Thừ với sự tham dự của gần 2000 người con trai, gái, già trẻ, dâu rể họ Đỗ trên khắp nước Việt Nam và nước ngoài cùng đại diện các dòng họ Việt Nam: Nguyễn, Trần, Vũ, Lê, Mai… dâng tấm lòng thành kính, tri ân Tổ Tiên Việt.
    Lễ dâng hương mộ cụ Đỗ Quý Thị- Hương Vân Cái Bồ Tát, mộ các vị Bát Bộ Kim Cương và các vị Liệt tổ, Liệt tông khói nhang thơm. Trời đầy chim và đất đầy hoa. Tiếng cháu con đọc văn tế vang trầm hùng sông núi. Hào quang tỏa rạng chín phương Trời, mười phương Phật. 

                                                  Từ thuở hồng hoang mới khai sinh lập địa
                                                     Tổ Tiên ta đã bao phen dời non lấp bể

    Công chúa Đoan Trang tên gọi Đỗ Quý Thị/ Tài đức vẹn toàn, sáng ngời Mẫu Phật/ Là Quốc Mẫu Hương Vân Cái Bồ Tát/ Đệ nhất Thiên Tiên Thánh Mẫu Việt trước Công Nguyên/ Cụ kết hôn cùng Nguyễn Minh Khiết sinh ra Lộc Tục/ Lên động Tiên Phi- Hòa Bình tu nhân tích đức/ Cùng tám người em trai Bát Bộ Kim Cương/ Nuôi dạy Lộc Tục nên người/ Thay cha lên ngôi Kinh Dương Vương/ Vua của Trời Nam, Quốc danh Xích Quỷ/ Dân tôn vua Ngọc Hoàng Thượng đế/ Tôn Mẫu Phật- Đạo Mẫu Việt Nam.
     Tám vị Bát Bộ Kim Cương là tám Cụ Tổ, Tài Trí, Đức, Dũng phi phàm được phong Phật hiệu. Đỗ Xương- Thanh Trừ Tai Kim Cương. Đỗ Tiêu- Tịch Độc Thần Kim Cương. Đỗ Hiệu- Hoàng Tùy Tai Kim Cương. Đỗ Cường- Bạch Tịnh Thủy Kim Cương. Đỗ Chương- Xích Thanh Hỏa Kim Cương. Đỗ Dũng- Tịnh Trừ Tai Kim Cương. Đỗ Bích- Từ Hiền Thần Kim Cương. Đỗ Trọng- Đại Lực Thần Kim Cương. Các Cụ Tổ được thờ tại những ngôi chùa làng Việt cổ với tượng Bát Bộ Kim Cương, mỗi vị một dáng vẻ, cầm một loại vũ khí đầy quyền năng trừ giặc, tà ma.

     Văn tế Mộ Tổ Bát Bộ Kim Cương

         Kể từ buổi bình minh lịch sử, Tổ Tiên ta khởi nghiệp nơi đây
         Mở bốn phương Nam, Bắc, Đông, Tây dựng cơ nghiệp trên miền đất lụa
         Đã từng trải bao phen sóng gió, vẫn uy nghiêm trụ vững với thời gian
         Bắc, Trung, Nam con cháu đàng hoàng, hơn tám triệu nối dòng họ Đỗ
         Gò Thiềm Thừ đã hơn năm nghìn năm Tổ Tiên ta anh minh chọn lựa
          Đến ngày nay vẫn là miền đất cổ giữa Thủ đô tươi đẹp vô cùng
          Dẫu có đi cuối Đất cùng Trời, chỉ có đất nơi đây là đắc địa”
                                                                              (Đỗ Văn Kiện)

    “Tiền nhân họ Đỗ cổ xưa nhất được biết đến, ghi trong thư tịch là cụ Đỗ Quý Thị, húy là Ngoan, tên tự Đoan Trang và tám người em trai được phong hiệu Bát Bộ Kim Cương. Cụ tu theo đạo Sa Bà. Đạo của Đế Thiên Phục Hy hiệu Hư Không giáo chủ cách đây 5000 năm. Cụ tu nhiều năm tại hang Tiên Phi- Hòa Bình gọi là Sơn Trại Chúa Mường, Tây Vương Mẫu, Mẫu Đầm Đa. Khi Lộc Tục được cha truyền ngôi, xưng Kinh Dương Vương, lập đô ở Kẻ Xốm, đã đón mẹ về tu ở chùa Đại Bi gần ngã ba Ba La. Những người dân các dân tộc Bách Việt từ miền núi đến đồng bằng đều tu Đạo Sa Bà cùng cụ.
     Cụ mất. Dân lập tượng thờ cụ tại chùa Đại Bi. Chùa bị hủy hoại, dân làng Vân La chuyển tượng thờ ở chùa Đại Bi về chùa Vân La, cách khu Gò Thiềm Thừ 200m”.
(Sách Đi Tìm Tổ Tiên Việt- trang 79)
    Dòng họ Đỗ thề nguyện trước Tổ Tiên:

     Đời tiếp đời con cháu/ Nguyện bảo tồn Mộ Tổ/ Mãi mãi với thời gian/
Sừng sững giữa Đất Trời/ Mộ Tổ Việt trường tồn.

      T.S Trần Mạnh Quảng- Phó chủ tịch thường trực BLL Hội đồng các dòng họ Việt Nam. Chủ tịch Hội Đồng Trần tộc. Cùng K.S Vũ Mạnh Hà- Chủ tịch BLL Hội đồng các dòng họ Việt Nam, là hai trong những người sáng lập BLL các dòng họ Việt Nam năm 1995 tại 72- Thụy Khuê- Hà Nội. Mười bảy năm qua, ông Quảng và ông Hà đã cùng dòng họ Đỗ và các dòng họ Việt Nam tiến những bước dài nối dòng chảy Tâm linh nặng tình, nặng nghĩa của người Việt Nam hiện đại noi gương Tổ Tiên, giữ nước, giữ nhà.
     Trong buổi hội ngộ dâng hương Tổ Tiên tại Mộ Hương Vân Cái Bồ Tát và Mộ Bát Bộ Kim Cương Gò Thiềm Thừ, T.S Trần Mạnh Quảng xúc động khơi dậy Tình thương huyết thống, cùng hàng nghìn người lắng nghe lời răn dạy của Tổ Tiên vọng về. Đó là Phúc lớn của Tình yêu giống nòi. Ông hào sảng nói:
      - Bài ca họ Đỗ đã vang lừng ở nơi địa linh nhân kiệt Gò Thiềm Thừ. Đỗ Quý Thị và Bát Bộ Kim Cương (tám người em trai của Cụ) như đã hiện về đây chừng kiến cảnh gặp mặt hào hùng, nghĩa tình sâu nặng, biết ơn các vị Tiên liệt. Mộ Tổ là một di sản văn hóa dân tộc. Mẫu Phật Đỗ Quý Thị, mang tầm Văn hóa Tâm linh bất diệt. Cụ là Tổ Mẫu của dân tộc buổi bình minh hình thành đất nước Văn Lang. Cụ tu thành Đạo Mẫu Phật Việt chứng minh sự trường tồn của dân tộc Việt. Một dân tộc sống có Đạo từ thuở sơ khai. Uống nước nhớ nguồn. Một lòng thờ Mẹ kính Cha. Máu chảy ruột mềm. Thương người như thể thương thân…
      Con cháu dòng họ Đỗ (Đậu) hôm nay thấu hiểu giá trị lớn lao của Tổ Tiên đoàn kết trong, ngoài nước, góp những “Viên gạch hồng” để tôn tạo Miếu Mộ Đỗ Quý Thị- Hương Vân Cái Bồ Tát và Bát Bộ Kim Cương Gò Thiềm Thừ.
      Gia đình một doanh nhân Nghệ An đã cung tiến phiến đá quý, cao, nặng trên 20 tấn để khắc chữ BIA MỘ TỔ tại Gò Thiềm Thừ.
      Mỗi người dân Việt hôm nay, chung tay, góp sức bảo tồn Mộ Tổ Tiên cầu mong Quốc thái- Dân an. Trăm họ một nhà. Thỏa lòng đau đáu bấy lâu của người Việt.
      Tiếng lòng vang trong gió mưa Xuân:

Người không có Tổ bơ vơ
Mênh mông không biết bến bờ là đâu…
Mộ Tổ như ánh trăng rằm
Sáng soi con cháu ruột tằm bốn phương
Mộ Tổ một chương sử vàng
Đạo Mẫu Tiên Tổ dẫn đường non sông
Giữ gìn Miếu Mộ Tổ Tông
Việt tộc Nam- Bắc- Tây- Đông tụ về

    Đạo Mẫu Thờ Tổ Tiên Việt

     Sách Bản Sắc Văn Hóa Người Việt T.S Lã Duy Lan đã phân tích Đạo Mẫu và các vị Thánh Thần Việt được dân Việt thờ cúng trên 5000 năm qua chính là Nhân Thần. Là các bậc Tổ Tiên đã sinh thành ra chúng ta ngày nay.
Việc thờ cúng Nhân Thần với tính cách là những linh hồn của Tổ Tiên oanh liệt của dân Việt bắt đầu có từ thời Tiền sử. Bằng chứng là Đạo Sa- môn với Mẫu Phật Hương Vân Cái Bồ Tát và Kinh Dương Vương được tôn là Ngọc Hoàng Thượng đế. Bách Việt Triệu Tổ Cổ Lục ghi các bộ Kinh cổ của Bách Việt: Kinh Khâm Thiên giải ách Ngọc Hoàng cốt tủy, Kinh Ngũ Bách Danh, và nhiều bộ Kinh cổ khác…
     Đạo Sa- môn tu nhân, tích thiện, kết nối vô tận, vô cùng vũ trụ, khi đến Hương Vân Cái Bồ Tát kiêm luôn cả việc thờ cúng ông bà, Tổ Tiên và nhanh chóng trở thành một phong tục tập quán, tín ngưỡng phổ biến của nước ta thời Bách Việt và các vua Hùng.
    Theo TS Lã Văn Lan Đạo Sa- môn có từ hai nguồn gốc :
     1. Ấn tượng về thời Cực Lạc ở chân núi Ba Vì thời  Việt cổ vẫn in dấu ấn mạnh mẽ lên tâm tư các thế hệ Bách Việt. Đó là thời mọi người cùng ăn, cùng ở, cùng vui chơi, sinh hoạt và ý thức cộng đồng hòa hợp.
     2. Cảm thức ân nghĩa đã thấm nhuần trong tâm tư các thế hệ người Việt ngay từ thời sơ sử. Cảm thức này được hình thành từ trong quá trình khai phá vùng đồng bằng của họ, trong đó có sự bàn giao mang ý nghĩa trao truyền giữa các thế hệ đã luôn được vun đắp liên tục. Đi đến đâu người Việt cổ cũng trồng cây đa, đắp các hang, đào giếng, ao, và trồng khoai lang, đỗ, đậu, cà, lạc… khi chuyển nơi khác lại giao cho người đến sau. (Bách Việt Triệu Tổ Cổ Lục)
     Điều đó tạo thành nét tâm lý phổ biến mang tính truyền thống của cộng đồng. Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
     T.S Lã Duy Lan và chúng tôi, theo phả cổ, đối chiếu với hệ thống các bức tượng Phật trong các chùa làng Việt cổ hiện nay (vùng tống Sốm- Thanh Oai- Hà Nội- Kinh Đô Phong Châu cổ) và nhiều chùa đồng bằng Bắc bộ, thấy rõ ngoài ba ngôi tượng Phật Tam Thế và một vị Phật Tổ Ấn Độ, toàn bộ các tượng trong chùa đều là các bậc Tổ Tiên Việt từ thời Bách Việt đến thời Hai Bà Trưng.
     Hệ thống ấy phù hợp với hệ thống các bức tượng thờ ở khu vực Đền Thượng, Đền Trung, trong 72 đền “Nam Thiên thất thập nhị từ” vùng tổng Sốm.
     Như vậy Đạo Sa- môn do Mẫu Phật Hương Vân Cái Bồ Tát truyền lại là Đạo Mẫu Phật, tu thân, tích thiện, kết nối vũ trụ và Thờ cúng ông bà Tổ Tiên Việt đến ngày nay vẫn còn hiện diện một cách trọn vẹn trong đời sống Tâm linh của cộng đồng người Việt Nam. Đó là kết quả của sự chuyển hóa tôn giáo nguyên thủy thờ đá, thờ cây sang thờ con người, tu thành Đạo Mẫu Phật Việt.
     Đạo Mẫu mang giá trị Văn hóa Tâm linh và Nhân văn cơ bản của dân tộc Việt Nam, trường tồn, bất diệt.
Tổ Tiên Việt được các thế hệ con cháu Việt cổ tôn thờ chính là những người khai sơn, phá thạch, những người mở ra một nghề nghiệp mới, tức là những ANH HÙNG VĂN HÓA.
     Các vị Tổ Tiên như Phục Hy, Đế Viêm, Thần Nông, Kinh Dương Vương, Mười tám vua Hùng… ngay từ thời sơ sử đã được các thế hệ người Việt cổ xếp vào hàng Liệt Thánh, Liệt Tổ, được cả cộng đồng tôn thờ. Đó là sức mạnh bất diệt của giống nòi Bách Việt. Chiến thắng mọi kẻ thù.
     Tuy nhiên trong mấy nghìn năm yêu dấu ấy, thù trong, giặc ngoài liên tiếp. Nhân dân ta mưu trí, kiên cường bất khuất, tránh con mắt soi mói giặc tà, thờ cúng Tổ Tiên một cách khiêm tốn, bí ẩn bằng Thần phả, huyền tích, cổ tích, huyền thoại truyền miệng trong dân gian.
     Linh thiêng thay! Các vị đã hóa Ngọc Hoàng Thượng đế, Tam tòa Thánh Mẫu, Thánh, Thần, hồn quấn quyện, tỏa hào quang từ những pho tượng trong các ngôi chùa cổ.
     Sự phát triển Đạo Mẫu Phật kể từ thời Kinh Dương Vương trở đi đã được phân ra thành hai hướng. Một hướng là hệ thống các tượng trong chùa và một hướng được thờ tại các đền, miếu, đến thời Lê thờ cả trong đình. Nhưng dù là Phật hay là Thần thì các bậc đó đều là một gốc sinh ra, đều là những anh hùng Văn hóa, anh hùng cứu quốc của dân tộc. Nhiều vị vừa là Phật, vừa là Thần Đi Thần về Phật được dân xây đền thờ, xây lăng, miếu ở nhiều nơi, mộ thật thì giấu bí truyền trong dòng họ.
     Hình thức tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên của người Việt cổ rất phong phú đa dạng, xuyên suốt đến ngày nay.
Lễ hội người Việt cổ thờ cúng Trời Đất- Tổ Tiên thời sơ sử có thể tìm thấy trong các hình trạm khắc trên mặt và tang Trống Đồng, thạp đồng văn hóa Đông Sơn, thời các vua Hùng trị vì đất nước. Hình ảnh một đám rước hay một cuộc dâng lễ diễn ra trên hai chiếc thuyền nối nhau được khắc trên tang Trống Đồng Ngọc Lũ. Một thuyền là lễ vật, còn một thuyền là nhân vật được kính trọng, vì cả hai đều được ngự trên giá cao. Đằng trước, sau, xung quanh lễ vật và nhân vật kính trọng còn có nhiều người khác nữa, tay cầm những vật trang trí bằng lông chim với động tác diễn tả sự hân hoan, thành kính.
     Trải mấy nghìn năm Đạo Mẫu Phật- Thờ Tổ Tiên Việt vẫn trường tồn với hình thức Hầu Bóng rực rỡ vào thế kỷ XV, nay càng rực rỡ khắp năm châu bốn biển theo dấu chân Đàn Chim Lạc.
     Tổ Tiên hiển linh trở về răn dạy cháu con trong những buổi hầu bóng, lên đồng tưng bừng trống phách, đàn ca, nhảy múa, hoành tráng ngũ sắc, tại các ngôi chùa Việt cổ, miếu đền vùng đồng bằng Bắc Bộ, miền núi cao hẻo lánh, biên cương sang tận California “Thủ phủ của Hầu Bóng”.
     Trong lễ Hầu Bóng Tổ Tiên nhập về vui trần gian. Một hình thức Văn hóa Tâm Linh tuyệt diệu của Đạo Mẫu Phật Việt.
     Tổ Tiên hiển hiện trong Đạo Mẫu Phật Việt huyền diệu.
     Tam phủ công đồng là thờ ba vị cũng là ba anh em làm vua ở thời mở đầu nước Xích Quỷ. Thái Khương Công Nguyễn Minh Khiết, tức Đế Minh làm vua nước Xích Quỷ. Nguyễn Nghi Nhân, làm vua nước Sở. Nguyễn Long Cảnh còn gọi là Ba công Đại vương làm vua nước Đại Lý thuộc miền đồi núi phía Tây nước Xích Quỷ. Ba vị này được dân gian gọi là Ba vị Đức Chúa hay Đế Thiên và Nam Tào, Bắc Đẩu.
     Tam Tòa Thánh Mẫu là thờ Tiên Thiên Thánh Mẫu- Hương Vân Cái Bồ Tát- Vợ của Thái Khương Công Nguyễn Minh Khiết. Mẫu Thượng Ngàn là Bà Hồng Đăng Ngàn vợ của Kinh Dương Vương Nguyễn Lộc Tục, Mẫu Thủy hay Mẫu Thoải là Bà Âu Cơ- Vợ của Lạc Long Quân Nguyễn Lâm.
     Tứ phủ Thần linh là thờ bốn đời Tổ kế tiếp làm vua và đứng đầu Bách Việt: Thái Khương Công Nguyễn Minh Khiết. Kinh Dương Vương Nguyễn Lộc Tục. Lạc Long Quân Nguyễn Lâm. Hùng Quốc Quân Nguyễn Lân tức Hùng Vương thứ nhất.
     Tứ vị chầu bà là thờ bốn vị Đệ nhất Tiên Thiên Đỗ Thị Ngoan- Hương Vân Cái Bồ Tát. Đệ nhị Thượng Ngàn Hồng Đăng Ngàn. Đệ Tam Thủy phủ Âu Cơ. Đệ Tứ Khâm sai vợ Hùng Quốc Vương là con gái Lạc tướng Chu Diên.
Thờ Bát Bộ Kim Cương là tám em trai Hương Vân Cái Bồ Tát. Là tám ông Tổ các nghề rèn sắt, đúc đồng, chế tạo gốm sứ, công cụ chiến đấu và sinh hoạt thường ngày… Tám ông Cậu này có công nuôi dạy cháu Lộc Tục và cùng cháu chiến thắng giặc.
     Trong 72 ngôi đền vùng tổng Sốm Kinh đô cổ có hai ngôi đền thờ liên quan đến câu ca dao:

Con Cóc là Cậu Ông Trời
Ai mà đánh Cóc thì Trời đánh cho

     Ngôi đền thờ vua cõi Trời là Kinh Dương Vương Ngọc Hoàng Thượng đế là ngôi đền khang trang to đẹp nhất gọi là Đền Thượng. Đến thời vua Thành Thái, thực dân Pháp phá tổng Sốm, 72 ngôi đền được sơ tán khắp nơi. Đền Thượng thờ Kinh Dương Vương dời lên làng La Cả.
     Đền thờ Bát Bộ Kim Cương ở khu vực an tang tám vị họ Đỗ cũng là một ngôi đền lớn, bề thế, có tượng của tám vị Kim Cương. Ở sân đền có hai cột đá vuông, cao tới đầu người. Trên mỗi cột đá có tạc một cụ Cóc cũng bằng đá tạc liền cột. Để chạy giặc Pháp, đền thờ Bát Bộ Kim Cương phân tán khắp nơi. Hai cột đá trên có tượng hai cụ Cóc dựng ở ven sông Nhuệ- Hà Nội. Nay hại cụ Cóc đã được con cháu họ Đỗ rước về an vị tại Gò Thiềm Thừ như xưa.
Cóc là vật linh của người Việt cổ trồng lúa nước. Khắp đất Việt, loài Cóc vui sống cùng người, cảm nhận được Trời sắp mưa, phát âm thanh báo. Dân Việt cổ yêu mến Cóc- bạn hiền giúp gọi mưa. Khi Kinh Dương Vương được tôn Ngọc Hoàng Thượng đế là “Vua cõi Trời” thì tám Cậu được tôn vinh Bát Bộ Kim Cương (kim loại trường tồn) mang biểu tượng Cóc là “Cậu vua Trời” ban an bình và gọi mưa cho dân lấy nước uống và cày ruộng. Cóc đã trở thành linh vật thiêng mà dân trồng lúa nước, suốt đời mong mưa tôn thờ là Cậu Ông Trời. Không ai được đụng đến Cóc. Trời sẽ đánh cho.
    Thập vị quan hoàng là mười người con của Đế Minh, Đế Nghi.
     Ba ông Phúc Lộc Thọ là do dân ta suy tôn, tạc bộ tượng Ba Ông Phúc Lộc Thọ, lấy tên tự của ba ông vua Việt: Vua Đế Minh là Phúc Đình. Vua Kinh Dương Vương là Phúc Lộc. Vua Lạc Long Quân là Phúc Thọ.
     Tòa Cửu Long thờ chín Thủy Tổ, chín dòng giống Hùng Vương. Các chùa cổ đều đặt trước Tam Bảo một tòa tượng Cửu Long. Đó là chín con Rồng tượng trưng cho chín con suối và chín ngôi mộ các vua Hùng đã sinh ra chín họ Hùng Vương gọi là Thủy Tổ Cửu Tộc. Tòa tượng Cửu Long còn là biểu tượng Rồng Tiên. Tượng Hương Vân Cái Bồ Tát, hình một bà sư đầu trọc, mặc váy, một tay chỉ lên Trời, một tay trỏ xuống Đất đứng trong vòng Càn Khôn của Tòa tượng Cửu Long.
     Bộ tượng Bát Bộ Kim Cương trong các chùa Việt cổ là tám người em trai của Mẫu Hương Vân Cái Bồ Tát.
Mười tám vị La Hán là mười tám vị vua Hùng có công lớn, được dân tôn thành mười tám vị Phật, thờ trong các chùa. Các vị vẫn luôn đau đáu thương đời. Nhà thơ Huy Cận hỏi Mười tám vị La Hán chùa Tây phương:
Đau đời có cứu nổi đời không?
     Đạo Mẫu Phật Việt hướng con cháu vui sống Tâm Thiện, không đòi hỏi cúng lễ vàng mã nhiều, tượng to, cỗ mặn, xôi thịt linh đình “Miệng nam mô bụng một bồ dao găm” mà khuyến nhủ mỗi người:

Tu Tâm, tích Thiện, nhân từ
Nhường cơm sẻ áo, đường trần lòng son
Một lòng vì nước, vì non
Trồng nên quả Phúc cho con cháu mình.
Hồ Gươm Xuân 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét